Mọi người thường lầm tưởng rằng Google Ads chỉ vào gồm việc mua quảng cáo trên trang kết quả tìm kiếm. Tuy nhiên, Google “quyền năng” hơn bạn nghĩ!
Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu một hình thức quảng cáo khác của Google để bạn có nhiều lựa chọn hơn cho chiến lược Google Marketing nói riêng và digital marketing nói chung. Nào, cùng tôi tìm hiểu quảng cáo GDN là gì và làm thế nào để chạy chiến dịch này hiệu quả?
Tìm hiểu về GDN
Trước tiên, chúng ta cần nắm được khái niệm GDN
1. GDN là gì
GDN (Google Display Network) là một mạng lưới các website trên internet làm đối tác với Google trong việc phân phối các quảng cáo hiển thị từ những nhà quảng cáo.
Quảng cáo hiển thị (Display Ads) là loại hình thức quảng cáo đặt banner, hình ảnh thu hút về sản phẩm dịch vụ. Vì vậy, quảng cáo GDN hay Google Ads Display là hình thức quảng cáo đặt trên các website nằm trong hệ thống Display Network do Google quản lý.
Nếu bạn tự liên hệ với một website khác để đặt banner quảng cáo thì đây là một quảng cáo hiển thị nhưng không phải thuộc loại Google Ads Display.
Những website thuộc hệ thống Google Display Network thường là có chủ đề về tin tức thời sự, review, blog. Nguyên nhân là vì những trang web này sẽ có một lượng lớn traffic và khi người dùng đọc nội dung sẽ bắt gặp những quảng cáo hiển thị.
2. Vị trí quảng cáo GDN?
Mạng lưới Google Display Network có đến hơn 2 triệu website. Vì vậy Google Ads Display giúp bạn có thể xuất hiện trên những website này để tiếp cận đến gần 90% người dùng trên internet. Các mẫu quảng cáo của bạn có khả năng được đặt tại website, app di động và cả video.
Tuy nhiên vị trí quảng cáo GDN của bạn sẽ phụ thuộc vào ý đồ bạn sử dụng loại quảng cáo này, chứ không hề phụ thuộc vào nội dung quảng cáo hiển thị của bạn.Cụ thể:
- Lựa chọn những từ khoá tìm kiếm và những chủ đề liên quan
- Chọn cụ thể website và thậm chí trang cụ thể
- Hoặc tập trung vào nhóm đối tượng người dùng theo nhân khẩu học như: sở thích, nghề nghiệp, giới tính…
3. Tại sao nên sử dụng Google Ads Display?
Sau khi nắm rõ được quảng cáo GDN là gì, bạn cần hiểu hơn lý do tại sao mà nhiều doanh nghiệp sử dụng Google Ads Display:
- Tiếp cận đến nhiều khách hàng tiềm năng. Số lượng website tham gia vào Google Display Network chiếm 90% tổng số website trên Internet. Điều này đồng nghĩa, quảng cáo GDN có thể tiếp cận đến 90% người dùng mạng.
- Ngân sách thấp hơn Google Search Ads. Chi phí cho mỗi lượt click của Google Ads Display thấp hơn so với quảng cáo trên kết quả tìm kiếm. Vì vậy, GDN là một hình thức quảng cáo tiềm năng cho các doanh nghiệp nhỏ.
- Tối ưu lợi nhuận bằng cách tính phí phù hợp. Quảng cáo GDN có 2 cách tính phí cho mỗi lượt click: CPC (Cost per click) và CPM (Cost per mile). Vì vậy, bạn cần chọn được phương thức tính phí phù hợp với chiến dịch của mình.
- Quảng cáo hiệu quả bằng hình ảnh. Đối với Google Ads Display, quảng cáo xuất hiện với dang hình ảnh và banner. Trong khi, hình ảnh là nội dung mà người dùng nắm bắt nhanh chóng nhất. Thông điệp của bạn sẽ được người dùng nắm bắt dễ dàng với thiết kế thu hút.
- Áp dụng tiếp thị lại (remarketing). Tính năng remarketing là vũ khí lợi hại nhất để Google Ads Display cạnh tranh với những loại quảng cáo khác. Bằng cách thu thập cookie, quảng cáo GDN sẽ theo chân và tích cực tác động đến khách hàng tiềm năng. Do đó, chiến dịch remarketing cải thiện tỉ lệ chuyển đổi đơn hàng rất hiệu quả cho website.
4. Nhược điểm của quảng cáo GDN
Tuy nhiên, quảng cáo GDN còn một số hạn chế để bạn cần nắm rõ để khắc phục bằng một hình thức quảng cáo khác.
- Không thể kiểm soát hoàn toàn nơi (website) đặt quảng cáo. Ở đây bạn sẽ biết đến khái niệm website rác, đây là các website được những người kiếm tiền bằng Google Adsenses nhưng website không có bất kỳ giá trị nào cho người dùng. Vì quảng cáo GDN xuất hiện một cách ngẫu nhiên trong các website theo đặc điểm bạn lựa chọn như: từ khoá, lĩnh vực… Vì vậy, vẫn có một tỉ lệ nhỏ cho trường hợp quảng cáo của bạn xuất hiện trên những website trên.
- Tỷ lệ Click (CTR) thấp hơn quảng cáo tìm kiếm. Quảng cáo chỉ bất chợt xuất hiện trong khung hình của người dùng và không liên quan đến nội dung họ đang đọc. Vì vậy, tỉ lệ người dùng click vào Google Ads Display thường thấp hơn quảng cáo tìm kiếm. Nguyên nhân là vì Google Ads Search hiển thị đúng với nhu cầu mà người dùng đang truy vấn.
- Yêu cầu kinh nghiệm khi targeting. Nhắm mục tiêu là công đoạn quan trọng nhất khi thiết lập quảng cáo Google Display Network vì nó quyết định đến kết quả của cả chiến dịch. Khi targeting sai đối tượng thì quảng cáo xuất hiện tại các nội dung không liên quan. Chắc chắn, CTR của quảng cáo xem như bằng 0.
- Không đảm bảo chất lượng traffic từ kênh Display. Thông thường, phần lớn người dùng click vào quảng cáo GDN vì mục đích khám phá hơn là có nhu cầu thực sự. Tuy nhiên, đây cũng là một cách giúp bạn phát tán thương hiệu.
5. Phân loại quảng cáo GDN
Bên cạnh hiển thị quảng cáo bằng hình ảnh, GDN còn hiển thị với nhiều hình thức khác.
Các hình thức quảng cáo trên GDN
Tất cả những loại hiển thị quảng cáo GDN hiện có bao gồm:
- Quảng cáo hình ảnh – Image Ads: Đây là hình thức bạn bắt gặp nhiều nhất. Quảng cáo sẽ bao trọn ads block trên trang web. Một số tuỳ chỉnh cho quảng cáo hình ảnh là bố cục, màu nền cho hình ảnh.
- Quảng cáo văn bản – Text Ads: Hình thức quảng cáo bằng văn bản hiển thị tương tự như trên kết quả tìm kiếm. Cụ thể, quảng cáo của bạn sẽ được hiển thị 1 dòng tiêu đề và 2 dòng cho mô tả.
- Quảng cáo Video – Video Ads. Đối với hình thức này, quảng cáo GDN hiển thị phần lớn là trên Youtube. Vị trí có thể là góc dưới của Video hoặc phía trên cùng của cột video đề xuất.
- Quảng cáo đa phương tiện – Rich Media Ads. Đây là hình thức nói chung có các loại quảng cáo khác như ảnh động, cá yếu tố tương tác. Dễ bắt gặp nhất là hình ảnh sản phẩm sẽ được hiển thị theo dạng carousel.
Thông thường, trên 1 website, chi phí để hiển thị quảng cáo hình ảnh sẽ cao hơn quảng cáo văn bản. Nguyên nhân là vì trong một ads block, chỉ có thể đặt một hình ảnh quảng cáo, nhưng lại có thể chèn đến 2 quảng cáo văn bản.
6. Google Ads Display có những kích thước nào?
Những kích thước dưới đây được Google quy định và sẽ yêu cầu những website tham gia Google Display Network đặt các ads block theo tiêu chuẩn. Vì vậy, bạn cần tìm hiểu các kích thước của Google Ads Display để xây dựng quảng cáo phù hợp hơn. Hoặc để hiển thị và truyền tải thông điệp hiệu quả, bạn cần chuẩn bị nội dung quảng cáo theo nhiều kích thước.
Một số kích thước quảng cáo thông dụng bao gồm:
Kích thước quảng cáo hình vuông và hình chữ nhật
Kích thước quảng cáo cho hình chữ nhật đứng
Kích thước quảng cáo hình chữ nhật ngang
Kích thước quảng cáo hiển thị trên thiết bị di động
Ngoài ra, quảng cáo GDN còn cần đáp ứng những quy định về định dạng và dung lượng như sau
- Định dạng quảng cáo cho phép: PNG, GIF, JPG, SWF và ZIP
- Dung lượng tối đa: 150kb
Ngoài những tiêu chuẩn mà GDN yêu cầu, bạn cần đảm bảo thêm một số yếu tố để tăng hiệu quả chiến dịch như:
- Thương hiệu xuất hiện trên tất cả quảng cáo
- Kêu gọi hành động (Call to Action)
- Thiết kế tương đồng với phong cách của landing page
Bạn có thể sử dụng Google’s Display Ads Builder để tạo quảng cáo hiển thị dễ dàng và hiệu quả.
7. Nhắm đối tượng mục tiêu trên Google Display Network
Như vậy, chúng ta đã tìm hiểu qua tổng quát về quảng cáo GDN là gì. Bắt đầu từ phần này, tôi sẽ hướng dẫn bạn một số thủ thuật để triển khai chiến dịch Google Ads Display hiệu quả.
Đầu tiên, tôi sẽ nói đến những cách nhắm đối tượng mục tiêu vì đây là công đoạn ảnh hưởng nhiều nhất. Nếu bạn targeting đúng đối tượng, bạn có thể cải thiện được CTR cũng như tăng ROI so với cùng chi phí bỏ ra.
Placement Targeting – Địa điểm cụ thể
Targeting theo vị trí là lựa chọn những website cụ thể để đặt quảng cáo GDN. Thiết lập này vô cùng phù hợp khi bạn đã biết rõ về đặc điểm nhân khẩu học của đối tượng mục tiêu. Do đó, bạn sẽ biết được những website nào mà khách hàng tiềm năng sẽ thường xuyên lui tới để liệt kê trong thiết lập này.
GDN giúp bạn target đúng khách hàng mục tiêu
Contextual Targeting – Ngữ cảnh
Nhắm mục tiêu theo ngữ cảnh còn được hiểu là tập trung vào đối tượng có nhu cầu liên quan. Cụ thể, Bạn cần cung cấp những từ khoá đại diện cho nội dung quảng cáo GDN. Google sẽ tiến hành phân tích và đặt quảng cáo của bạn trên những website có nội dung liên quan đến những từ khoá mà bạn cung cấp.
Cấu hình cài đặt quảng cáo GDN theo ngữ cảnh
Nếu từ khoá với Google Search Ads là truy vấn thì với Google Display Network, bạn nên cung cấp từ 5 đến 20 từ khoá ngắn liên quan đến lĩnh vực, chủ đề của quảng cáo. Ngoài ra, sau khi cung cấp keyword, bạn nên quan tâm thêm về danh sách website liên quan. Từ đó, bạn có thể điều chỉnh các website mà quảng cáo xuất hiện tốt hơn chính xác hơn.
Ưu điểm của phương pháp này là độ phủ của quảng cáo. Tuy nhiên rất khó kiểm soát nên tỉ lệ CTR không cao.
Topic Targeting – Chủ đề
Nhắm đối tượng theo chủ đề là lựa chọn những chủ đề mà Google đưa ra. Đề từ đó, quảng cáo chỉ xuất hiện trên những website có chủ đề đó.
Cấu hình cài đặt quảng cáo GDN theo chủ đề
Nếu chủ đề quảng cáo tương đồng với một trong các chủ đề mà Google quy định thì chiến dịch có hiệu quả cao. Nhưng nhược điểm lớn là quảng cáo của bạn không đi xa hơn trong các chủ đề khác.
Interest Targeting – Sở thích
Interest targeting cũng hoạt động tương tự như nhắm đối tượng mục tiêu theo chủ đề. Bạn cũng phải cần khai báo các sở thích của người dùng mà bạn muốn quảng cáo xuất hiện. Tuy nhiên, thay vì dựa vào nội dung như topic targeting thì phương pháp này sẽ nhắm mục tiêu theo người dùng.
Cấu hình cài đặt quảng cáo GDN theo sở thích
Cụ thể, không giới hạn về website mà quảng cáo của bạn xuất hiện. Google sẽ thu thập hành vi của những người dùng để tiến hành phân tích và xếp vào những sở thích có sẵn. Quảng cáo của bạn sẽ hiển thị đối với những ai có sở thích mà bạn khai báo trong thiết lập.
Để remarketing, trước hết bạn cần chèn một đoạn code vào website của mình (địa chỉ mà người dùng được đưa tới sau khi click vào quảng cáo). Nhờ vậy, bạn có thể gửi cookie của những người dùng truy cập vào website cho Google. Sau cùng, quảng cáo GDN của bạn sẽ hiển thị theo chân họ khi học truy cập vào các website thuộc GDN.
Mặc dù nguyên lý hoạt động đơn giản nhưng remarketing thiết lập cụ thể hơn cho cả hành vi phức tạp. Ví dụ: Click vào nút play video trên trang chủ hoặc chỉ số time on site đạt ngưỡng nào đó. Vì vậy, càng có nhiều những thiết lập như vầy thì Remarketing trở nên hiệu quả hơn.
Cách nhắm mục tiêu phối hợp
Tôi phân tích ưu-nhược điểm của từng phương pháp nhắm đối tượng mục tiêu là để bạn hiểu và có thể sử dụng phối hợp nhiều các targeting. Từ đó, bạn có thể nâng cao hiệu quả chiến dịch Google Ads Display.
Do đó, công việc của bạn là nghiên cứu để hiểu khách hàng của bạn hơn. Sau đó, thực hiện phối hợp nhiều phương pháp targeting để hiển thị tiệm cận với tệp khách hàng tiềm năng. Mặc dù điều này khiến quảng cáo của bạn không xuất hiện nhiều nhưng lại làm tăng chất lượng traffic.
8. Hướng dẫn tối ưu chiến dịch quảng cáo GDN
Thông thường, tối ưu chiến dịch quảng cáo GDN cần được thực hiện sau một thời gian. Một số đặc điểm bạn cần quan tâm để tối ưu hoá hiệu quả chiến dịch quảng cáo hiển thị là:
- Xác định vị trí đang hoạt động tốt để thêm vào mục placement targeting.
- Xác định những website mà quảng cáo không hiệu quả để liệt kê vào negative placement.
- Xác định thêm những danh mục không liên quan để loại bỏ. (Excluding irrelevant categories)
- Tìm kiếm thêm những đối tượng mục tiêu không liên quan để loại trừ. (Excluding irrelevant audiences)
- Cân nhắc bổ sung tiện ích click to call nếu khách hàng mục tiệu phần lớn sử dụng thiết bị di động.
- Sử dụng thêm dimensions tab nhằm đánh giá mức độ tiếp cận. Tăng giảm ngân sách để đạt khả năng tiếp cận như kỳ vọng.
- Đo lường và đánh giá hiệu quả hiển thị theo địa phương, lọc ra những địa điểm hiệu quả để tiếp tục triển khai.
Kết luận
Như vậy, chúng ta đã tìm hiểu qua quảng cáo GDN là gì và những lưu ý khi triển khai chiến dịch quảng cáo hiển thị. Hy vọng, tôi đã có thể giúp bạn hiểu thêm một hình thức digital marketing. Để từ đó, bạn có thêm lựa chọn và áp dụng trong chiến dịch digital marketing và đạt nhiều mục tiêu. Cảm ơn và chúc bạn luôn thành công!